THẦN THI VƯƠNG BỘT –
VANG VỌNG CỦA PHƯƠNG ĐÔNG [kỳ II]
Bút ký điền dã của THÁI DOÃN HIỂU
[c] ĐỀN PHÚC VỊ
HUYỀN THOẠI VÀ SỰ THẬT:
`
Tôi lại hành hương về xứ Nghệ để
thỉnh Kinh (1) viếng phần mộ Thân phụ và thăm Từ mậu đang sống chập chờn trong cõi âm dương. Giữa những ngày tử
biệt sinh ly tan nát lòng này, tôi vẫn biết tỉnh táo nén đau thương không quên
lặn lội xuống tận Cửa Hội cùng chú Hoàng Hà (lại vẫn chú Hoàng thân kíuh) chụp cho bạn đọc
những tấm hình màu từ những di vật còn sót lại ở ngôi đền Vương Bột - những tấm
hình có lẽ không riêng gì bạn đọcViệt Nam mà cả bạn đọc Trung Quốc đang mong chờ
!
Vào thu, biển Cửa Hội xanh đậm, nắng vàng ươm lao rao trên sóng
bạc đầu. Tôi phóng tầm mắt nhìn vào mung lung: trong những cánh buồm no gió
ngang tàng ngoài khơi xa nào đâu là cánh buồm của chàng Vương sang Hoan Châu nước
Việt thăm cha thuở trước ?
Năm năm lìa xứ, tôi vẫn mang đi trong tâm tưởng mặt biển lặng
xanh trong mơ màng với thấp thoáng những cánh buồm nâu dân dã trong màu mắt ai
mỏi mòn chờ đợi !
Phải chăng những câu thơ hay nhất
trong Truyện Kiều Nguyễn Du đã tả là
từ chỗ này đây, nơi tôi đang đứng, sóng bủa mơn man dưới bàn chân cát mịn, nơi
cách đây đúng 1.315 năm thi hào Trung Quốc “Vương
Bột ải tử đầu hà, phá quân (sao) hãm thiên thương (sao) thủy cục”.(Vương Bột
chết khổ đầu sông, chết đuối về nước (2). Giờ, tôi đọc to câu ấy lên hỏi trước
muôn trùng sóng vỗ, nơi chàng thi sĩ họ Vương tử nạn mà sởn hết gai ốc trong người,
bàng hoàng vì sự linh ứng của nó.
Anh Văn Tự, người thợ may ở xã
Nghi Xuân, Nghi Lộc, môt bạn đọc trung
thành của báo Văn Nghệ, người vẫn luôn
giữ một gián cách tiết độ vừa phải đứng
bên tôi dường như tiếp nhận được sự thần giao cách cảm đó đã kể tôi nghe:
- Hồi nhỏ, tôi được các cụ từ trực
tiếp thờ cúng đền Vương Bột nói lại là trên khúc sông này, vào khoảng đúng giờ
Ngọ, mòi nước nổi lên cơn lốc nhẹ xoáy rộng vùng, rồi một chàng trai trẻ tuấn tú
độ 25-27 tuổi, dáng quắc thước, mặc áo hồng
gấm, chân di hài sảo, tay cầm sách thung dung dạo quanh vùng, cứ y như nhà thơ đang
trầm tư tìm kiếm thi tứ để ngâm vịnh. Tiếng thơ ai oán, thổn thức cứ nổi lên mỗi
ngày. Những người chèo đò, những ngư dân sinh sống ở vùng này thường dâng hương
khi qua sông, lúc đánh cá cầu mong được sự yên ổn may mắn. Người ta tìm bộ Đường Thư và nhón lấy những câu thơ hay
của Vương Bột để ngâm ngợi thưởng thức hầu làm sống lại tâm linh thơ của ông Thần
thi xứ Bắc mà hình hài đã gửi lạ trầm tích vĩnh cửu trên dòng sông Cửa Hội quê
kiểng…
Anh Tự kể, tai tôi như âm u vọng
về từ một xứ mê huyền. Tôi nhìn trân trân, bất giác chỉ tay sang bờ nam Cửa Hội
hỏi anh Tư:
- Mấy năm trước hành hương về viếng mộ cụ Nguyễn Du, tôi có nghe bà con
bên huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) nói có một miếu thờ Vương Bột nữa ở cửa sông bên ấy,
anh có biết không ? Rất tiếc hôm đó, tôi cùng giáo sư Hàng Hải mệt phờ không thể
đi tiếp tìm hiểu được.
- Thưa không, tôi không rành a.
- Tôi mường tượng và đưa ra giả
thiết như thế này anh nghe có lọt tai không nhé: bên đó là nơi thừa tự các gia
nhân, chỗ xác người và thuyền tấp vô ấy ?. còn bên này dĩ nhiên là thi hài chàng
Vương rồi (?). Sự linh ứng của nhà thơ bao trùm cả một vùng mênh mông sông nước.
Mỗi xứ đã lập miếu thờ riêng theo lòng thành của mình.
- Nghe cũng có lý đấy ạ. Việc này
xin để các nhà khảo cổ, các sử gia trả lời
hộ. Xin mời anh, ta đi tiếp.
Chúng tôi đi ngược dòng sông lên
viếng đền. Chú Hoàng bệnh. Anh Văn Tự bỏ việc thay chú dẫn tôi đi. Anh Văn Tự là
người trọng nhân nghĩa, chuộng văn học, là học trò cưng, đứa em thân thiết, người
bạn tri âm của chú Hoàng Hà. Anh phải gồng mình gánh chịu trên đôi vai mảnh mai
mười một miệng ăn với cái nghề may èo uột
nơi thôn mạc mà miếng cơm manh áo cứ đùa cợt từng ngày.
Đến trước đền Vương Bột, chúng tôi
gặp một nấm đất kỳ dị. Lòng tôi xao xuyến, linh cả mơ hồ.
Anh Văn Tự chắp tay thi lễ:
- Thưa, người nằm dười đất này là
Đầu xứ Thái – Hoàng Phan Thái – Nhà thơ, người anh hùng đã tuẫn nạn nơi đây.Cuộc
khởi nghĩa chống lại triều đình nhà nguyễn không thành, Đông hải Đại tướng quân
bị Tổng đốc Nghệ An Hoàng Tá Viêm đem quân về vây bủa bắt được giải về nguyên
quán hành quyết ngay chỗ này năm 1865, nghĩa là sau khi ngôi đền Vương Bột trùng
tu khánh thành được đúng 9 năm.
Tôi lịm người kêu lên:
- Ôi trời ! té ra nhân vật kẻ sĩ
yêu qúy của tôi (3) lại nằm đây bầu bạn bên cạnh Vượng Bột. Hai nhà thơ cũng
chung một nòi tình ! Rõ là hai khí phách một tinh thần phản kháng !
Nhìn gò đất, tôi lầm nhẩm đôi câu đối của Hoàng Phan Thái khảng
khái đọc trong đề lao Vinh:
Thiên khả thê thân,
huyền đảo giang hà thanh nhất nộ ( Trời nếu thương thân, dốc ngược giang hà
nguôi mối giận)
Địa nan mai cốt, vãn
hồi nhật nguyệt bạch tam quân (Đất khôn vùi cốt, kéo lùi nhật nguyệt rõ ba
quân)
… mà chạnh niềm đau. Lẽ nào chính quyền địa phương mãi đến bây
giờ vẫn còn để bậc danh nhân đất nước này nằm hòa trong cát bụi giữa thập loại
chúng sinh !?
- Sinh thời – Anh Văn
Tự thủ thỉ kể - Khi còn là một bậc nho sinh hay chữ, ông Đầu xứ Thái thường từ
làng Cổ Đan quê ông (nay là xã Phúc Thọ, Nghi Lộc) sang làng Đông Chu, xã Lộc Hải (nay
là xóm Xuân Lộc, xã Nghi Xuân) thăm viếng ngôi đền Vương Bột luôn. Hoàng Phan
Thái là người đã tích cực truyền bá nền thơ Đường, đặc biệt là thi phẩm của Vương
Bột cho toàn xứ. Theo truyền thuyết thì chính ông ta “yểm” thơ Vương chứ không
phải là Tả Ao tiên sinh. Xin lỗi anh. Ông Đầu xứ “yểm” ngay trên một con đò
ngang, giữa thanh thiên bạch nhật, trong cuộc đàm đạo tương đắc thơ Vương với
người… lái đó ! Theo thiển ý của tôi thì truyền thuyết này thích hợp hơn với tài
năng, tính cách và tư duy Hoàng Phan Thái, con người đã nổi tiếng ngông ngạo trên
pháp trường: “Ba hồi trống giục thây cha
kiếp - Một nhát gươm đưa bỏ mẹ đời”; con người khi đầu sắp rụng còn hóm “Thằngg nào chém tớ chém cho đứt - Trần gian ngoảnh lại nhắn đôi câu - Tấm
thân bảy thước coi làm ngắn – Mà chí ngàn năm vẫn sống lâu – Máu đỏ bôi đen trò
đế bá - Vết son sổ toẹt mộng công hầu - Thằng nào chém tớ ché cho đứt - Có lấy
tiền công tớ trả sau.”
Tôi phì cười khoát tay:
- Hồ Tông Thốc, Tả Ao, giờ lại Hoàng Phan Thái… Thôi, ai “yểm”
mà chẳng được. Cứ lãng đãng sương khói thế mà lại hay.
Đến trước cổng đền, tôi cung kính đặt những bước chân bồi hồi
như cách cách đây năm năm từng đặt những bước chân bùi ngùi thương cảm. Đến bên
một mảng tường đổ nát, tôi dừng chân, thân mật cầm tay anh Văn Tự:
- Này anh, là người vốn đẻ ở đây, lớn lên ở đây, giờ đã ngót
50 năm, anh còn nhớ những gì về ngôi đền này không ? Thử kể, tả cho tôi nghe với
?
Lời thỉnh cầu này đã làm hai mắt anh Văn Tự vụt sáng, con người
anh linh động hẳn lên, rút ngắn lại những gián cánh. Giống như một hướng dẫn viên
du lịch thục thụ, anh Tự kể vanh vách:
Ngôi miếu cổ cũ nhỏ quá không thể chứa nổi cái chất hào phóng
của thi nhân, và người xứ này nhận thấy không thể thỏa mãn với tầm cỡ một thiên
tài bèn xúm nhau lại đóng góp dựng lại tòa đền đường bệ, khang trang hơn. Đó là
đền Phúc Vị nơi chúng ta đang đứng đây. Đền được khẩn trương trùng tu làm mới và
đã hoàn thành vào năm Tự Đức lục niên, tức 1854. Cấu trúc của đền gồm ba khuTiền
đền, Trung đền, Hậu đền. Khu Trung đền làm nơi thờ cúng cha con nhà thơ Vương Bột,
Vương Phúc Cơ, còn Tiền đền Hậu đền bài trí các đồ tế khí. Dân làng rủ nhau
trang trí nội thất, trồng cây cảnh trông tôn kính, râm mát và thanh lịch lạ thường.
Đền xây xong, nhân dân vẫn chưa yên lòng vì chưa có tượng để thờ. Một hôm, thần
mộng báo cho ông lái đò là sẽ có một cây gỗ quý từ trên nguồn trôi xuống, hãy đưa
về làm tượng hai ngài. Quả thật, sáng hôm sau từ đâu giạt đến một cây gỗ to tỏa
hương thơm ngát. Ông lái đò giòng cây mộc hương về neo đậu trước bến đình làng.
Làng đã cử người dày công đi tìm các nghệ nhân tài hoa về tạc hai pho tượng đó.
Di tượng Vương Bột hiện đang được thờ
cúng tại gia đình
ông Nguyễn Văn sung xã Nghi Xuân, Nghệ An
Để công trình nghệ thuật điêu khắc được hoàn hảo về đường nét
và hình khôi, khi tượng làm xong, làng đặt hai pho tượng ở ngã ba làng đúng ba
tháng mười ngày cho mọi người qua lại chiêm bái, phẩm bình, kể cả các chú khách
người Trung Hoa. Khi mọi người đã công nhận là kiệt tác, làng mới quyết định đem
sơn son thếp vàng, xong rước hai ngài lên thờ ở cung đình danh dự nhất của khu đền
Trung. Bấy giờ, một khó khăn nữa lại đến
với dân làng: chẳng ai biết đích xác nhà thơ Vương Bột mất ngày tháng nào !. Dân
làng cho mời các kỳ lão, các vị có học vấn uyên bác, tinh thông Hán học, am tường
về văn nghiệp của ngài. Với lòng tôn kính sâu sắc con người và tư tưởng, các vị
đó đã dõi theo cuộc đời và thơ văn, quyết định lấy ngày 9 tháng 9 âm lịch làm
ngày giỗ chính thức hàng năm. Đó là ngày Trùng Cửu, có lẽ là này đau buồn nặng
nề nhất của đời ngài bị vua ruồng bỏ.
Từ đó về sau nhân dân thường có hoa tươi, nến sáng, hương khói
suốt ngày. Cảnh đền càng ngày càng trở nên khang trang nhộn nhịp. Hồi còn học cấp
hai – anh Văn Tự dim cặp mắt nhớ lại - thầy Hoàng Hà dạy văn thường dẫn tụi học
sinh chúng tôi vào tham quan cảnh đền và kính viếng nhà thơ. Được thầy giới thiệu
tiểu sử vẻ vang của ngài, chúng tôi mới hết kính nhi viễn chi. Anh biết đấy, tuổi
nhỏ quỷ sứ của bọn học trò nhất qủy nhì ma quấy phá khắp nơi thế nhưng đâu dá bén
bảng tới chốn linh thiêng này !
Những này đó có thầy đi kèm, chúng tôi mới hết run dạn dĩ lên
dắt tay nhau cùng bước vào thánh địa. Từ ngoài cổng, chúng tôi thấy hai con voi
đá xanh to khỏe đứng trấn giữ đền. Bốn cây cổ thụ trồng bốn góc vườn. Bốn gốc
thông già cao vút chọc trời được trồng ở bốn góc đầu hồi ba toà đền, tán lá
xanh rì vi vu đàn hát trước gío. Một cây phượng bằng hai người vầng, lá xanh như
khói chen giữa những chùm hoa lửa đỏ chói cháy rực trời, tán xòe ra xum xuê mát
rượi cả một vùng.
Vào khu Trung đền là nơi thờ hai vị thần Vương Bột, Vưong Phúc
Cơ có bày biện đủ hoa nến, ống đài đươm hoa trái, hòm sắc đựng thần phả ghi chép
công đức của hai cha con vị phúc thần đã cứu giúp dân bản xứ. Hai bên bàn thờ là
hai câu đối rực rỡ dòng chữ sơn son thếp vàng:
Long Môn văn phái ba
lưu viễn
Ngư Hải hương yên tuế
nguyệt trường.
Hồi đó, thầy Hoàng Hà đã dịch như sau:
Dòng thi thư của xứ
Long Môn (Quê Vương Bột) từ xa sóng
đưa đến,
Khói hương dân Ngư Hải
(biển cá) xin thờ cúng đến muôn đời.
Trên dưới các tượng là bức hoành phi đại tự chính điện “Thung quê (1) song linh” (cha con đều hiển
linh, hai bức hành phi hai bên tả hữu “Nhân
kiệt địa linh” (Người tài đất thiêng) “Vật
hoa thiên bảo” (Vạn vật và hoa cỏ là báu vật của trời)… đó toàn là những tiếng
tôn xưng xứng đáng đối với một bật hiền tài.
Anh Văn Tự dắt tôi đi khắp khuôn viên đền còn sót lại, nơi
người ta chưa cất nhà. Chúng tôi vừa đi vừa trò chuyện. Anh văn Tự chỉ trỏ và kể
:
- Thuở đó làng Phúc Vị
được chia làm hai khu, mỗi khu có trách nhạêm bảo vệ, tu sửa đường sá về mỗi phía.
Tuy được cắt đặt rạch ròi nhưng người dân cả hai khu đều rất có ý thức chăm sóc
vườn tược,nến hương chu đáo, cắt tỉa cây cành… làm cho cảnh quan trở nên nghiêm
cẩn,thơ mộng. “Đông Nam mỹ”
(khu Đông khu Nam
đều đẹp), quả đúng là nơi thờ phượng một thi hào thế giới, điểm sáng hội tụ thu
hút khách thập phương về hành hương. Hàng năm đến ngày Trung Cửu giỗ ngài, dân
lại rộn ràng tổ chức lễ hội. Cả một khúc sông Lam trước đền huyên náo tiếng mái
chèo đua bơi chải khua vang trống giong cờ mở, tiếng nói tiếng cười hân hoan… tưng
bừng không kém gì tết Đoan Ngọ (5-5 âl) mà nhân dân Trung Hoa dành tưởng niệm
nhà đại ái quốc trung trinh Khuất Nguyên trên sông Mịch La, nơi ngài trầm mình
tuẫn tiết.
Giờ đây, người dân Ngư Hải rất lấy làm đau xót tưởng nhớ lại
ngôi đến Phúc Vị thân yêu thờ Vương Bột
không còn nữa! Ai mà chẳng óan ghét chiến tranh tàn phá và tác nhân con người vì
kém hiểu biết hủy hoại đi cái báu vật trời đất linh thiên đã ban cho chúng ta,
phải không anh ?
Giọng anh VănTự lắng xuống gợi một niềm thương cảm man mác.
Anh ngưng lại, lóng ngóng đưa tay rút khăn lau mồ hôi lấm tấm trên mặt dưới ánh
nắng gắt oi nồng. Tự dưng câu thơ Vương Bột thầm thì âm vang lên trong hồn tôi
“Gác Đằng cao ngất bãi sông thu”, rồi
tiếng thở dài thoát ra từ miệng tôi trước gương mặt lặng lẽ của anh:
-
“Đằng Vương thuở
trước giờ đâu tá ?”
Anh Văn Tự cũng chạnh lòng bâng quơ::
-
Vâng “Đằng Vương
thuở trước giờ đâu tá?”
*
Chiều 31-8-1992, tôi ghé thăm Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật
Nghệ Tĩnh giữa lúc toàn Ban chấp hành Hội đang họp khẩn cấp để chia tỉnh. Gặp
nhau lâu ngày anh em bắt tay vồn vã vui vẻ. Ông Chủ tịch Xuân Hoài ngưng cuộc họp
dành cho khách quý xa mươi lăm phút. Nhà
thơ Thạch Quỳ xởi lởi:
- Bài VƯƠNG BỘT TỬ NẠN
NƠI MÔ ? của anh đăng trên báo Văn Nghệ
sô 29 đã làm cho cả hội Văn nghệ Nghệ Tĩnh xôn xao.Rằng…thì là chúng tôi rất lấy
làm xấu hổ vì từ trụ sở Hội đến nơi Vương Bột tử nạn chỉ có 8 km mà chẳng ai
hay biết gì cả, trong lúc anh ở tận mãi Sài Gòn tít tắp mù khơi lại tỏ tường đến
thế.
Tôi thưa với anh em văn nghệ quê nhà là tôi chẳng có tài cán
gì ghê gớm trong việc phát hiện cả. Tình cờ thôi, tôi đi tìm cái nọ thì nẩy ra
cái này. Ngờ đâu một bài báo nhỏ khoắng bút vài ba tiếng đồng hồ lại làm kinh động
nhân tâm đến thế, hơn cả hàng loạt sách tâm huyết và công phu của tôi đã được
in! Theo Biên tập viên báo Văn Nghệ
thì Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội được tin này sớm nhất đã phóng xe tới Viện
Quan hệ Quốc tế bộ Ngoại giao, bộ Văn hóa, báo Văn Nghệ hỏi thực hư, xong fax về Bắc Kinh. Nhân dân Trung Quốc đã
sửng sốt trước sự kiện này chứ không riêng gì hai học giả Giáo sư Lâm Trọng Hàm
và nữ Thạc sĩ Nghê Hà Vận sửng sốt. Tôi nói rằng tôi mới ở dưới Cửa Hội làm phóng
sự ảnh cho báoVăn Nghệ vừa lên Vinh.
Chính quyền xã Nghi Xuân rất cảm kích đã thảo công văn gửi kiến nghị cho bộ Văn
hóa, nhờ báo Văn Nghệ đăng công khai
- đề nghị trùng tu ngôi đền thờ Vương Bột trên quê hương của họ. Bà con ở dưới
Trang bảo việc tái thiết đền Phúc Vị là rất chính đáng. Giới trí thức của địa
phương thì tận tình giúp cán bộ khoa Sử trường Đại học Tổng hợp về khảo sát, xác
minh. Các cụ ông cụ bà vô cùng hoan hỉ. Họ đón tôi như đón một sứ giả của điều thiện. Anh Nguyễn Công Thiền giáo
viên trường cấp 2 Nghi Phú, Nghi Lộc trầm ngâm nói là nếu anh có đủ vốn anh sẽ xin đăng cai với
chính quyền thầu xây ngôi đền làm tụ điểm du lịch văn hoá cho khách bốn phương.
Tầm nhìn doanh nghiệp này rất đáng cho sở Văn hóa Nghệ An tham khảo?
Tôi nói:
Vương Bột tử nạn trên xứ mình, bí mật trùm màn đen suốt 13
thế kỷ. Chúng ta đã phát hiện cho Trung Quốc một ngôi mộ tổ sáng giá. Người Tàu
là họ rất quý mồ mả tiền nhân. Việc hai nhà Việt Nam học sang ta để lo vụ này đã chứng
tỏ điều đó. Bộ Văn hóa của hai nước Việt – Trung nên hiệp đồng chặt chẽ mà lo
chung. Văn hóa là linh hồn của mỗi dân tộc. Ánh sáng toả ra từ ngôi đền Vương Bột
chính là thứ văn hóa chung đúc độc đáo của hai dân tộc. Hai dân tộc sẽ hiểu
nhau, thấm thía nghĩa tình anh em trong những sắc màu của nền văn hóa riêng
chung đó. Các bạn ở Hội văn nghệ quê nhà xin cổ súy cho việc này.
- Cổ súy là làm sao ? Nhà thơ Minh Huệ cắt ngang nói.
- Thưa anh, là viết kỹ
về Vương Bột cho thế hệ này và thế hệ sau đừng tái phạm bi kịch phá đền do kém
hiểu biết. Tôi nhớ là có một cụ ở Nghi Xuân rầu rầu nói với tôi :”Giá có bài báocủa
anh trước thì ai nỡ dám xúc phạm vào nơi tôn nghiêm thờ ngài là chi ! Chúng tôi
càng đọc bài đó càng thương ngài và hối hận.!”
Ông Tổng biên tập Thạch Quỳ và Phó Tổng Đặng Văn Ký:
- Chúng tôi định đăng
lại bài bút ký điền dã của anh trên báo Văn Nghệ tỉnh nhà (4). Xin phép tác
giả.
-
Ngộ tồông ý
ngay ! Nhưng coi chừng lỗi morát bài ấy sai quá xá. Còn ảnh thì quý vị quá bộ
xuống Cửa Hội mà “nháy” lấy.
(Còn tiếp kỳ sau : [d] Văn nghiệp của Thi hào Vương Bột
-
[e] Trao đổi về sự kiện VƯƠNG BỘT TỬ NẠN NƠI NÀO ? giữa
học giả
Thái Doãn Hiểu và Đoàn Nhà văn Trung Quốc.
------------------------------------------------
(1) Lấy những pho sách cổ từ
thư viện gia đình 30-8-1991.
(2)
Câu này do Kỹ sư Tăng Văn Phiệt, Phó Giám đốc công ty xây lắp điện 2 Xí nghiệp
phụ kiện lưới điện Việt Nam từ Thủ Đức - một người nghiên cứu rành về số tử vi
chạy đế thảng thốt nói với tôi hôm ở Sài Gòn là anh rút từ quyển Một nghìn hai trăm câu phú tử vi chuyên
luận về các kiểu chết các nhân vật nổi tiếng phương Đông.
(3)
Xem CHÂN DUNG CÁC NHÀ VĂN QUA GIAI THOẠI (6 tập) của Thái Doãn Hiểu – Tập 1 Chuyện hay nhớ mãi, mục Hoàng Phan Thái
từ trang 154-160
(4) Sau đó thì Hội VHNT Nghệ An đã ra một kỷ yếu về Vương Bột
với đầu đề THẦN THI VƯƠG BỘT mà bài viết của tôi đăng đầu quyển với vị trí là
“cái ngòi pháo”.
.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét