Tám mươi năm, chị tôi chân
trần
lội bộ qua cõi thế mù lòa…
[Khóc chị Cả Thái Thị
Thiệu]
THÁI
DOÃN HIỂU
Ngày 27-4 âl tức ngày 4-6-2013 tới đây là ngày chị Cả Thái Thị Thiệu
của tôi rời cõi thế được 7 năm. Biết bao
thương nhớ một Con Người trong khoảng thiền định ấy. Mỗi người là một số phận,
số phận ấy làm nên loài người và thế giới.
Đằng
sau ánh hào quang của tám chữ vàng mà Hồ Chủ tịch tặng chị em phụ nữ Việt Nam “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” là
mặt trái sần sùi những vinh quang cay đắng mà các chị
các mẹ phải âm thầm chịu đựng nỗi đau một mình. Nhân dịp này, tôi muốn bạch hóa
tâm hồn tôi để bà con họ Thái, họ Đào cùng bạn đọc suy ngẫm về số phận chị tôi,
cũng là một kiếp người mong manh trong cõi vô thường.
Ngày 24-5-2006, Chị sửa soan
về với Tổ tiên, ông bà, cha mẹ, chị Thanh, anh Hợi, cháu Đại…
Ở
trong này, vợ em bị trọng bệnh, cả nhà đang huy động chống bệnh K, không về
được chịu tang và tiễn chị lần cuối, lòng em thật đau xót trước cảnh tử biệt
sinh ly.
Chị ơi, xin nán lại ít
phút cho em thưa chuyện đôi lời.
Theo
lá số tử vi do ông thầy Tam Đồng cho, em còn giữ đây thì Chị sinh ngày 2-11
Đinh Mão 1927, cầm tinh con mèo. Chị có 6 người em nữa: Thái Thị Thanh
(1931-2001), Thái Doãn Hợi (1935-1992); Thái Doãn Sửu (1937-2012); Thái Doãn
Hữu 1941, Thái Doãn Hiểu 1943, Thái Thị Tâm 1948. Chị là chị Cả của các em. Khi
còn nhỏ, cả nhà trìu mến thân mật gọi chị là Chắt Ả. Chắt Ả có biệt danh Nhóc Chìa Khóa. Cái tên đáng yêu này có
lẽ được đặt theo sự mô phỏng hình thể mảnh mai của Chị, cũng có thể do Chắt Ả
nghịch ngợm ưa đeo vào cổ chùm chìa khóa to sụ xủng xoảng của cố cụ Tuần mà Cố
âu yếm tặng cho cũng nên !
Cùng
với Chắt Em (chị Thanh) làm thành một cặp tố nga, hai chị em lớn lên trong tình
thương yêu chăm bẵm của cha mẹ và ông bà nội ngoại.
Năm
1946, 19 tuổi Chị về làm dâu họ Đào. Thuở ấy, thiên hạ trầm trồ đồn đại là Chị
đẹp nhất làng Lễ Nghĩa, sau khi một người đẹp là O Thái Thị Yên của chúng ta
cùng về làm dâu họ Đào đã đột ngột qua đời. Còn bé nhưng em cũng biết nhận ra
là Chị của em đẹp thật. Một vẻ đẹp đoan trang thuần hậu: da tráng mịn, cặp mắt
huyền mơ thăm thẳm, tóc dài mượt với chiếc seo gà vấn trần duyên dáng. Chị có
bộ xà tích bằng bạc chạm trổ tinh xảo
xúng xính chảy dài trên chiếc váy lụa màu
nâu. Em rất hãnh diện có được một người chị gái đẹp như thể từ trong tranh bước
ra. Về sau, những trai làng thường yêu
thầm nhớ trộm Chị mà không với tới vẫn đến nhà ta chiêm quan dung nhan kiều
diễm của Chị từ những bức hình treo trên tường. Dương Trọng Kỷ ở xóm Thượng là
một anh chàng như thế. Có lần, em thấy anh ta đứng chôn chân trước bức hình Chị
khoác áo bađơxuy bế Cu Chắt (Quang) miệng cứ lẩm nhẩm hoài “Đẹp ! Đẹp ! Con mẹ đẹp thật! ”.Em và cả
cha mẹ nữa rất hài lòng trước cử chỉ si tình của những gã đàn ông thật lòng.
Ngày
Chị về nhà chồng, anh Hợi viết trong Hồi ức về mẹ:
“Hôm đưa dâu, chỉ còn lại mẹ và con (anh
Hợi), nhà trống vắng buồn tênh. Mẹ quét nhà khóc rấm rứt làm con cũng tủi và
khóc theo. Hôm sau, hai mẹ con đi Lễ Nghĩa cùng các mự. Trông thấy em, Chị kéo
con ra đầu hồi nhà cùng khóc với nhau. Cuộc chia tay bình thường mà sao ghi đậm
trong ký ức con nỗi buồn tê tái”.
Chị
đi làm dâu nhà người. Anh rể là Đào Văn Vinh, sinh năm Giáp Tý 1924. Nhà anh cũng gia thế. Anh chị được ông
bà dựng cho một ngôi nhà riêng xinh xắn với đầy đủ tiện nghi sang trọng nằm
dưới chân đồi mé vào làng. Anh rể phương phi cao lớn, hay khoác bludông, về sau
vận quân phục sĩ quan, bêrê luôn trên đầu sành điệu và rất “mốt”, đường đường
là một nam tử hánmn . Anh sớm sung lục
quân làm lính danh tướng Nguyễn Sơn, lúc đó đóng đại bản doanh trong nhà anh.
Em thấy khi tiếp khách thường là các quân nhân ở nhà ta, anh nói năng ít nhưng
bặt thiệp, hào hứng. Cha mẹ rất quý trọng ông con rể đầu và anh luôn được đối
xử trân trọng như một vị thượng khách.
Làng
Lễ Nghĩa, xã Minh Sơn, huyện Đô Lương thanh bình những nếp nhà nho nhỏ nằm lẫn
giữa xanh rờn tre pheo cùng với tình bà con họ hàng đã để lại trong em những ấn
tượng sâu đậm. Em nhớ đến dượng Uông người thường trèo thoăn thoắt lên cây ổi
tàu cao sau vườn nhà dượng. Lũ trẻ xúm quanh, quả chín dượng lựa cho cháu còn
quả ương dành cho con mình Hàm, Hạn (Hồng). Em nhớ đến chú Đào Văn Tiên, sau
đổi tên là Tiến, đi lính, rồi làm chuyên gia văn học Lào ở Viện Văn học. Hồi
đó, chú chỉ đường cặn kẽ cho em đi từ chòm Sáu lạc qua chòm Mười. Em nhớ đến
các o thôn nữ rúc rích cười duyên sau nón. Em nhớ đến tấm lòng sâu nặng ruột
thịt của người o kế: O Uông với những đứa em thương mến.
Anh
ra trận, Chị vò võ nuôi con chờ chồng. Người xưa nói “Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi” (Xưa nay chinh chiến mấy ai về),
lòng chung thủy của Chị tôi bao phen tưởng chừng hóa đá ! Bom đạn chiến tranh
ít bén mảng đến làng quê heo hút, nhưng những năm tháng dài dằng dặc và thê thiết
ấy, Chị tảo tần nắng mưa với ruộng đồng, với phấp phỏng hy vọng...
Chị
sống rất tình cảm. Chị hay nhớ nhà, nhớ cha mẹ, các em. Vài
tháng lại thấy mẹ con chị lếch thếch tha nhau về ngoại. Nếu có được tin nhắn
thì em ba chân bốn cẳng chạy tuốt xuống tận Đồng Lạc, Hội Tâm đón chị và cháu Quang bấy giờ là một cậu bé bụ bẫm khôi
ngô thôi không còn phải chạy lon ton, sướng rơn nhảy lên lưng “cụ” (cậu) Hiểu làm
ngựa cho cưỡi. Mỗi lần chị về nhà vui như tết. Chị nhanh nhẹn dùng câu liêm
ngoặc từng chùm dừa xuống, dùng một con dao nhỡ thật bén, thoăn thoắt đẽo bổ
từng quả dừa mọng nước, với cùi thơm ngon cho các em Chị và cháu sì sụp cùng
ăn. Chị vào vườn hái ổi, trẩy cam, cắt chuối, nấu các món ăn chị ưa thích, hoặc
đứng bên bờ ao dùng mâu lựa từng con cá mè lớn như cái quạt mo xiên vào hông lôi lên kho tương cùng
khế. Hôm nào không có gì, chị hái mấy
quả đu đủ xanh, loáng một cái đã có một món nộm chua ngọt dòn dòn tuyệt hảo.
Thích nhất là được ngồi lục vấn Cu Chắt để được
nghe những câu trả lời ngọng ngịu, đai cái giọng Lễ Nghĩa từ miệng trẻ :
“Quang ! Doạ - Con ai ? – Con mẹe. Cái gì
đây ? - Điều chưa, Cẹnh néch…” Những lúc nhìn cậu cháu, nô đùa mặt chị như
tỏa nắng. Mẹ con, ông bà, chị em, cậu cháu, dì cháu tha hồ hàn huyền biết bao
là chuyện. Rồi, ngày vui ngắn ngủi chóng trôi qua, mẹ con Chị xin phép ông bà
ngoại về nhà. Lần nào cũng vậy, em để ý thấy Chị không bao giờ quên vạch một
vệt lọ nghẹ đen nhẻm lên trán cu Chắt. Em chẳng bằng lòng chút nào cả vì như
thế là làm xấu cái gương mặt tiên đồng của thằng bé. Chị bảo làm thế là để ma qủy chê mà tránh ra xa. Em lại tiễn
chị và cháu đến tận làng Trung Hậu. Bảy cây số cuốc bộ, đường xa loanh quanh
diệu vợi. Nhìn theo bóng Chị lủi thủi tha con khuất néo cuối thôn, lòng em dào
lên nghẹn ngào…
Cảm
hiểu được nỗi buồn riêng côi cút của mẹ con Chị trong ngôi nhà trống vắng, em
năng xuống thăm Chị, thường là chốc lát, có khi dăm bữa không chừng. Em nhớ không
quên tiếng của cặp tắc kè cứ thảng thốt riết róng dóng lên đầu hồi nhà, nghe
thật sốt ruột hoang dã.
Chị
em, cậu cháu lui cui ở trong nhà cũng đỡ quạnh. Quang tám tuổi nghịch đào dế ở
ngoài sân. Chị đang thụ bệnh, yếu lắm, nhưng cố lết ra ngồi phân loại đống
khoai lang như trái núi con vừa dỡ. Em cùng Ngọ và Giáp ra đồng đào khoai. Gớm,
cái năm khoai lang được mùa chưa từng thấy. Tay
chân đàn bà con gái yếu đuối như Chị, đánh vồng vẹn vẹo, lam nham. Thế mà hễ bổ
cào sắt xuống, lật lên, củ quá xá củ, củ lớn bóng nhẫy dày đặc từng chùm lăn phơi đầy mặt đất.
Rõ là khoai đất lạ mạ đất quen. Chính vì thế mà khoai bị chắn đứt nhiều vô kể.
Em bàn với hai chú Giáp và Ngọ để tránh khỏi bị
ả “dức” (mắng), cả ba đứa đồng tình ném xuống ruộng, thủ tiêu hết số
khoai bị cào sắt sát thương. Chuyện ấy xẩy ra năm 1955, bây giờ là năm 2006,
vừa đúng hơn nửa thế kỷ, giờ em xin thú tội với Chị chính em là thằng đầu têu
đề ra “tối kiến” ấy, Chị có mắng em không
?
*
Tiếng
súng giặc vừa dứt, thì Giảm tô rồi Cải cách ruộng đất ậpđến. Những cuộc thanh
trừng bắn giết kinh hoàng làm làng quê khiếp đảm và các gia đình họ Đào của Chị
tan nát. Ông Oanh, rồi dượng Uông lâm nạn. Tang chế chồng chất thương đau. Chị
bị quy kết thành phần “bóc lột”. Nào, Chị tôi cả đời có bóc có lột của ai cái
cái gi đâu cho cam! Cuộc sống của Chị lại chìm trong tối tăm, câm lặng. Hòa
bình lập lại, anh từ Côn Minh Trung Quốc trở về. Mãi đến năm 1957, anh mới đón
chị và Quang ra Bạch Mai, Hà Nội đoàn tụ gia đình. Cũng năm 1957, anh chị sinh
cháu Minh. Tưởng được yên ấm nhưng phải lộn về quê vì Chị không quen với lối
sống thị thành. Năm 1960, anh phục viên chuyển ngành sang làm Trưởng phòng hành
chánh Công ty Kiến trúc Vinh. Giữa cảnh khốn khó mà vui, năm 1963, cháu Chính
ra đời. Năm 1965, anh chị có thêm út Đại.
*
Trong
phong trào dời làng hãi hùng năm 1966, gia đình Chị cùng gia đình O Uông, dì
chắt Trới – chú Chi trong diện bị đày lên Mưng Rọm, Nghĩa Dũng, huyện Tân Kỳ. Nơi
đây rừng thiêng nước độc, ông nội ta đã từng lên làm kinh tế trang trại và đã
bỏ mình vì sốt rét ác tính năm 30 tuổi (1915). Thôi thì lánh đi cho khuất mắt
nơi đã xẩy ra bao biến cố đau lòng. Em đi Thanh niên xung phong mở đường
15 từ Phà Sen cặp theo sông Hiếu ở phía
tả ngạn, băng qua bản Gò Khế, đổ vào nông trường Đông Hiếu, chỗ Dốc Lụi. Một
lần đạp xe đi công tác về xuôi, nghe cha nói là Chị đã dời làng định cư ở cái
thôn ven đường. Em tìm vào thì thấy cái xóm ba nhà, nhà tranh vách đất chênh
vênh trên quả đồi trơ hoèn sỏi đá. Chị và mấy đứa cháu Minh Chính Đại lít nhít
dúi dụi nép vào một góc, mắt thô lố nhìn ra, lạ lẫm. Máy bay Mỹ quần đảo bắn
phá suốt ngày đêm dọc tuyến 15 như chốn không người. Vậy mà mấy con chị sống lộ
thiên không có lấy một cái hầm trú ẩn !. Thật ái ngại. em quyết định dừng lại
một ngày, cật lực đào cho xong bằng được cái hầm ở ngay thềm nhà, rồi mới tạm
yên lòng ra đi. Xe lăn bánh về xuôi mà lòng em cứ dùng dằng không nỡ dứt.
Ít
lâu sau, khi chuyển về đóng chốt ở trọng điểm giao thông Cầu Cấm, em rụng rời
nghe tin toàn bộ cơ ngơi tạm bợ đó của Chị bị hỏa hoạn đốt nương của một cư dân
khai hoang nào đó thiêu rụi. Họa vô đơn chí, chó đớp phải quần cộc. Tội nghiệp
Chị tôi !
*
Năm
1996, Chị vào Sài Gòn thăm các em và các cháu. Được mấy tuần, Chị cứ dóng dả
đòi về. Chị nói “ Cậu cho Chị về. Chị
phải về nhà để nuôi bầy gà cho thằng Đại ra quân có cái bồi dưỡng cho nó. Thương
quá, bên Lào khổ lắm, nó gầy giơ xương ”. Trời, cháu Đại hy sinh lâu rồi mà
Chị chẳng hay biết gì. Chỉ vì không nỡ để bệnh tâm thần của Chị gia tăng nên cả
nhà đồng tình ém nhẹm chuyện thương tâm
này. Câu nói hồn nhiên của Chị làm tim em nhói đau.
Cái
ngày mấy anh em tìm được thi hài Đại giữa rừng Lào đem về, Chị hóa điên, bứt
tóc kêu trời, gào Đảng và Chính phủ “trả
con cho tao...” “Sao các người ác thế.”…
“Chín năm chống Pháp mòn mỏi nuôi con chờ chồng. Chống Mỹ, thằng anh ra trận.
Hòa bình thằng em tưởng được tha…” . “Nuôi
con chín tháng mười ngày mang nặng đẻ đau, vượt cạn một thân mình, chăm chẵm
từng ly từng tý, nâng từng bước đi, giữ từng giấc ngủ, những lúc trái gió trở
trời thức trắng đêm, thế mà các người nỡ chiếu luật thuế máu, bắt nó như bắt
giặc, đẩy nó ra trận, đòm một phát,
thế là đi đời bao công lênh của mẹ. Các người dã man lắm. Các người còn là con
người nữa không ? Con ơi là con, đứa con thiên thần 19 tuổi của mẹ !Tổ quốc của
con đâu phải ở bên Lào ?...” Chị ôm chặt
bộ hài cốt của thằng Út gói ghém trong ba lô con cóc dã chiến vật vã suốt mấy đêm
ngày trên giường, nước mắt kiệt khô,
thân xác rã rời, tiều tụy. Lòng mẹ bao la. Chị ru cho Đại ngủ như thuở còn ấu
thơ.
Trong
cái chết oan uổng của con trẻ, chính người lớn chúng ta phải chịu trách nhiệm bởi sự cuồng tín vô lối
!?
*
Kiếp
người ngắn ngủi, ảo ảnh mong manh giữa một thế giới rỗng không. Chúng ta đang
sống trong thời đại hỗn mang lẫn lộn đúng-sai, tốt-xấu, thật-giả, khóc-cười.
Suốt 80 năm qua, Chị tôi chân trần lội bộ qua cõi thế mù lòa, điếc lác. Chân
Chị toé máu ! May thay , Chị thật có phước, có anh đồng hành trên đời - anh Đào
Văn Vinh. Anh là người đàn ông hiền đức. Bao phen, anh băng bó vết thương cho
Chị tôi. Chung thân, anh chăm Chị bệnh tật bằng tấm lòng của đấng trượng phu
với nhiều vai: khi là chồng, khi là cha, có khi lại là người anh, nhẫn nại
trong yêu thương, không một lời than thở phàn nàn. Cả anh và Chị đã mở rộng
lòng từ bi hải hà ra tự nguyện gánh vác giang sơn tan đàn sẻ ghé nhà chồng. Anh
chị đã thật sự là cha mẹ ruột đầy tin cậy của bầy cháu côi cút mất cha, chu tất
lo cho chúng đến độ trưởng thành.
*
Vinh
+ Thiệu = Quang - Minh – Chính - Đại, những cái tên thật thân thương, thể hiện
chín muồi kỳ vọng của anh chị về tín điều đạo đức giữa trời cao đất dày. Các
cháu đều là những đứa con trưởng thành và hiếu thảo. Đào Văn Quang tốt
nghiệpĐại học Sư phạm Vinh, là thầy giáo vật lý, hiệu trưởng trường cấp III Dân
chính huyện Tân Kỳ. Đào Thị Minh làm thợ dệt ở nhà máy dệt Vinh. Đào Thị Chính
tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm, hiện sống là làm việc với chồng là luật sư Hoàng
Xuân Sơn tại thành phố Hồ Chí Minh. Chỉ Đào Văn Đại là thiệt thân, chưa kịp lớn
thành người. Cả anh và Chị đều vươn tới đỉnh bát tuần đại khánh. Phúc đức khán
nhi tôn. Phúc đức nhất là anh chị được sống trong cảnh tứ đại đồng đường.
Mấy ai trong đời đạt được ngưỡng ấy !
20
h ngày 28-4 năm Bính Tuất, tức là ngày 25-5-2006, thôi em đành dứt áo
để Chị ra đi. Nhà Phật nói “Sống gửi thác
về”. Cha mẹ, chi Thanh, anh Hợi, cháu Đại, có cả Cố Cụ Tuần lọ mọ chống gậy
ra ngõ đón Chị dưới ấy. Lại có cả ông bà Oanh, O dượng Uông, bác Mai, bác
Hường, chú Hinh với Huy… đông lắm . Chết là sự giải thoát ở trần gian. Đường về
tiên giới của Chị thật thênh thang. Chị đi hợp lẽ trời, thuận lòng người. Hồng
tang ! Hồng tang ! Chị đi hãy cởi bỏ lại những đắng cay lẫn ngọt bùi cho nhẹ
gánh, thanh thản giã từ cõi tạm nơi
hành xác Chị suốt cả thế kỷ bão táp máu lửa để siêu thăng vào cõi nhớ. Cụ Nguyễn Tiên Điền bảo “Thác
là thể phách còn là tinh anh”. Tinh anh của Chị mọi người còn trân
trọng giữ nguyên ở đây.
Chị
đi trước rồi các em cũng sẽ lần lượt theo sau. Chỉ tiếc là trên cuộc người khốn khó và buồn này từ nay
vắng bóng người chị Cả thân yêu. Còn đâu nữa, người chị nhân từ thích ăn ngon,
mặc đẹp, khi tâm bệnh phát ra thì nói năng lưu loát toàn là những lời có cánh.
Còn đâu nữa người để được em đưa chị bách bộ rong chơi qua các phố thị Sài Gòn
hoa lệ, chụp cho Chị những bức hình lưu niệm. Còn đâu nữa mỗi lần viết xong một
cuốn sách để được cất bút đề lên trang đầu “Thân
quý tặng anh chị Cả”. Còn đâu nữa, mỗi lần về quê Nghệ, thuê xe ôm lên núi
Tân Kỳ thăm để được Chị trìu mến nhìn như nuốt lấy em, rồi se sẽ thốt lên “Cụ”
(em tôi).
HƯƠNG
VIÊN CÁC -
những ngày tang chế 24-27-5-2006
[Rút trong ÂM VANG CỦA TIỀM THỨC, chương 35
Hồi ký của Thái Doãn Hiểu, chưa in]
0 nhận xét:
Đăng nhận xét