THẦN THI VƯƠNG BỘT – VANG VỌNG CỦA PHƯƠNG ĐÔNG [1]
Bút ký điền dã của THÁI DOÃN HIỂU
LỜI TÁC GIẢ: Trong sư nghiệp nghiên cứu giảng dạy & phê bình văn học của mình, tôi đã phát hiện ra khá nhiều những khuất tất, sai sót, hiểu lầm, nhầm lẫn của những người đi trước.
Nếu đem những phát hiện độc chiêu ấy khai triển viết thành những luận án tiến sĩ văn học, sử học chắc sẽ thú vị lắm. Việc làm này dễ trong tầm tay, nhưng tôi đã không làm như vậy, bởi đối với một cư sĩ, sống ẩn dật lẩn quất trong dân gian như mỗ, học vị học hàm Giáo sư Tiến sĩ chẳng để làm gì cả.
Tôi đã thử viết một vài cái như “THẤN THI VƯƠNG BỘT VANG VỌNG CỦA PHƯƠNG ĐÔNG”, hay “TRUYỆN KIỀU LÀ TỰ TRUYỆN TÂM LINH CỦA NGUYỄN DU”, làm thì hào hứng nhưng rồi lại bỏ xó vì không có tính mục đích.
Nay, tuổi đã tà, đời đã mạn, các phát hiện trên còn nằm mung lung tản mác trong các sách báo suốt 25 năm qua, tôi phải tập hợp chúng lại gửi cho hậu thế trước lúc giã từ cuộc người. Biết đâu được có nhà nghiên cứu văn hóa trẻ nào đó bị gợi hứng mà tiến sâu vào những vấn đề mà tôi chưa muốn khai phá !? Thế thì vạn phúc cho tôi nơi chín suối lắm. Đa tạ !
Sự kiện Vương Bột xẩy ra từ năm 1991, đã 22 năm nhưng khá nhiều người chưa biết. Một số đông độc giả, 7 nhà văn yêu cầu đăng lại. Nhân việc chú Hoàng Hà – nhân vật chính của thiên bút ký điền dã này vừa tạ thế ngày 12-11-2013 – cũng là cách tưởng niệm người chú dạy văn học tài hoa của tôi trên đất Nghi Xuân, Nghi Lộc, Nghệ An.
*
Trong lịch sử văn học Trung Quốc, thi sĩ Vương Bột đã được người đời truyền tụng là một hiện tượng thần đồng.
Vương Bột, tức Vương Tử An, người được xếp đầu bảng trong nhóm Sơ Đường tứ kiệt(1) (Bốn nhà thơ kiệt xuất đầu đời Đường). Chàng gốc gác người tỉnh Thái Nguyên, sau định cư tại Long Môn (nay là tỉnh Sơn Tây). Xuất thân trong một gia đình quý tộc danh giá: cha là Vương Phúc Cơ làm huyện lệnh Hoan Châu, quận Giao Chỉ (Nghệ An, Việt Nam). Lên 6 tuổi đã nổi tiếng thơ văn và thuộc làu kinh sử, 14 tuổi đạt giải khôi nguyên kỳ thi đối sách của triều đình, danh vang toàn cõi, được Lãnh chúa đất Bái rước về tôn làm thầy giảng sách. Xuất chính làm quan võ nhỏ, có lần bị vua ruồng, biếm ra Nam Trung (đất Thục) làm chỉ huy lính đồn trú ở đó. Trước tác còn lại là bộ sách 16 quyển Vương Tử An tập (Tác phẩm của Vương Tử An), gồm sách biên khảo văn sử triết – viết từ tài liệu sưu tầm của ông nội Vương Thông (2) và nổi bật nhất là thơ.
Trong văn nghiệp sáng rực của một cuộc đời ngắn ngủi, tác phẩm làm cho tên tuổi Vương Bột trở nên bất tử lại chỉ là một bài tựa nhỏ Đằng Vương các (Gác Đằng Vương) với hai câu thơ tả cảnh tuyệt bút sống đến muôn đời.
[a] DUYÊN ĐẰNG THUẬN NẺO GIÓ ĐƯA
Chuyện kể rằng:
Thuở ấy, trên bờ sông Chương Giang, quận Nam Xương, thủ phủ tỉnh Giang Tây có một tòa lâu đài nguy nga, ngảnh mặt về phía sông do đức ông Thái sứ hồng Châu Đằng Vương Lý Anh Hoàng tử của vua Đường Cao Tông dựng lên, gọi là gác Đằng Vương(3).
Bấy giờ Đằng Vương Nguyên Anh đã chết. Diêm Bá Dư mới đến nhậm chức Đô sát ở Hồng Châu, nhân tiết Trùng cửu (mồng 9 tháng 9 âm lịch năm 666) mở đại yến chiêu đãi các tân khách chọn lọc ở gác Đằng Vương.
Vương Bột, mới 16 tuổi, đang giong buồm sang Giao Chỉ thăm cha, nghe tin vội vã rẽ vào sông Chương Giang tìm cuộc vui. Đường rất xa, đáng lẽ phải đi mất hai ngày, nhưng nhờ ngọn gió Trùng cửu nổi lên thuận buồn, thuyền của chàng chỉ đi mất một đêm là kịp ghé bến dự tiệc.
Giữa tiệc, Diêm công sai gia nhân để bút giấy cung kính đặt trước mặt các danh sĩ, liêu thuộc xin ứng tác cho một bài tựa để lưu niệm cuộc tao ngộ này. Thực ra, mục đích hoàn toàn khác. Diêm Bá Dư (4) có người con rể là Ngô Tử Chương “giỏi” thơ phú, nhân dịp này ông ta muốn làm le triển lãm cái tài Mạch Học sĩ của con rể ra với bàn dân thiên hạ. Ông bảo Chương làm sẵn bài Đằng Vương các tự rồi lấy đầu đề ấy yêu cầu các quan khách hạ bút. Quan khách toàn là dân tao nhân mặc khách hiểu ý tứ kín đáo ấy nên từ chối, nhường quý tế ông chủ. Riêng Vương Bột, chân ướt chân ráo không hiểu mô tê chi cả, thấy bút giấy bày ra trước mặt cùng lời mời đon đả là phóng bút viết lia viết lịa.
Dĩ nhiên, ông chủ Diêm Bá Dư rất không vừa lòng, hằn học ra mặt trước vẻ ngang tàng của chàng trẻ, sai gia nhân xoi mói vào từng chữ chàng viết, rồi mật báo lại với mình hay. Thoạt đầu, Diêm công cho là Vương chép lại bài làm sẵn, hoặc chép thơ người ta.
Nghe gia nhân báo câu mở đầu: “Nam Xương cố quân, Hồng Đô tân phủ” (Nam Xương là tên quận cũ, Hồng Đô là tên phủ mới), Diêm cười nhạt:
- Đó là lời kể lể quê kệnh của bọn hủ nho già.
Ông ta nghe báo câu tiếp:
“Tinh phân Dực Chẩn, địa tiết Hành Lư” (Nơi ranh giới sao Dực và sao Chẩn, địa thế tiếp với Hành Sơn và Lư sơn)
Diêm giật mình, tư lữ.
“Thuyền ngư giọng hát chiều hôm réo rắt quanh miền Bành Lãi. Nhạn trận tiếng kêu trời rét, xôn xao lấp bến Hàng Dương”.
Diêm im lặng.
Và, khi nghe báo đến chỗ Vương Bột hạ câu:
Lạc hà dữ cô lộ tề phi
(Chiếc cò bay với ráng sa
Sông thu cùng với trời xa một màu)
NAM TRÂN dịch
Thì Diêm đứng phắt dậy, lắc đầu, trố mắt kêu lên:
- Thần cú ! Diệu bút! Quả là thiên tài, đáng lưu danh muôn thuở.
Vương kết thúc bài phú:
ĐẰNG VƯƠNG CÁC
Đằng Vương cao các lâm giang chử
Bội ngọc minh loan bãi ca vũ
Họa đống triêu phi Nam phố vân
Châu liêm mộ quyển Tây Sơn vũ.
Nhàn vân đàm ảnh nhật du du,
Vật hoán tinh di kỷ độ thu
Các trung đế tử kim hà tại ?
Hạm ngoại Trường giang không tự lưu.
(Gác Đằng cao ngất bãi sông thu,
Ngọc múa vàng gieo nay thấy đâu ?
Nam Phố mây mai quanh nóc vẽ,
Tây Sơn mưa tối, cuốn rèm châu
Đầm nước mây vờn ngày tháng trôi,
Mấy phen vật đổi với sao dời
Con vua thuở trước giờ đâu tá ?
Sông lớn hoài hiên luống chảy hoài.)
TƯƠNG NHƯ dịch
Từ đó, gác Đằng Vương với hai câu thơ của Vương Bột đã đi vào cõi trường sinh ! Từ đấy, tên tuổi Vương Bột lại càng lừng lẫy ! Sự tích này đã trở thành điển cố văn học. Về sau, Tô Đông Pha có câu thơ “Thời lai phong tống Đằng Vương các” (Gặp thời thì mới gặp gió đưa tới gác Đằng Vương). Nguyễn Du có câu “Duyên Đằng thuận nẻo gió đưa” (Kiều). Lê Thánh Tông (Hồng Đức Quốc âm thi tập), Nguyễn Cư Trinh (Trinh thử), Vũ Quốc Trân (Bích câu kỳ ngộ) đều dùng điển tích này để chỉ dịp may hiếm có, cơ hội nghìn năm có một.
Cuộc đời Vương Bột thật huy hoàng bỗng chợt tối vì tai nạn bất ngờ, khép lại đời một thi sĩ tài hoa 26 tuổi ! Sử cũ chép: năm 676, trên đường đi thăm cha, bị bão đắm thuyền, chết đuối. Nhưng Vương tử nạn ở đâu thì không nói rõ ! không ai biết. Dương Quýnh, bạn thân của Vương Bột, chỉ biết ngậm ngùi gom di cảo của chàng để lại đem in, cầm một nắm hương xá ra ngoài biển, than trời. Về sau, luận thuyết của Mao Trạch Đông cũng chỉ nêu “ Năm tháng.., Vương Bột sang thăm cha ở Giao Chỉ, ngã xuống biển chết.”
Đã có bao nhiêu nhà văn, học giả cất công tìm kiếm. Ngô Tất Tố trong một bài báo viết năm 1939 trên tờ Thời vụ số 118 cho là Vương Bột chết trên hồ Động Đình. Hoàng Ngọc Phách – Kiều Thu Hoạch trong Giai thoại văn học Việt Nam lại cho rằng ở sông Chương Giang. Còn Thái Vũ lại bảo trên sông Bạch Đằng (Việt Nam). Xem ra, đều là những ức đoán, võ đoán có lý nhưng khó thuyết phục, nghe chơi vậy thôi.
[b] VƯƠNG BỘT TỬ NẠN NƠI NÀO ?
Thế rồi…
Trong một chuyến đi điền dã về quê Nghệ Tĩnh để lấy thêm tài liệu viết sách, tình cờ tôi phát hiện ra nơi Vương Bột tử nạn.
Ngày 30-7-1986, từ Sài Gòn tôi hành hương về huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh), ghé làng Tiên Điền viếng mộ Nguyễn Du, thắp hương ở nhà thờ La Sơn Phu Tử, xuống làng Uy Viễn hỏi chuyện về Nguyễn Công Trứ, vào làng viếng Tả Ao… Vượt qua sông Lam sang xã Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc (Nghệ An) thăm ông chú với cha tôi là anh em con cô cậu, dạy học lâu năm ở đây đã nghỉ hưu: Chú Hoàng Hà. Đêm đó, tôi đọc bản thảo Chuyện hay nhớ mãi (5) cho cả nhà nghe, trong đó có mấy cô sinh viên khoa văn Đại học Sư phạm Vinh cùng nghe. Đến hết truyện Bùi Hữu Nghĩa yểm thơ Vương Bộtthì chú Hoàng ngạc nhiên kêu lên:
- Ơ tề, đền thờ Vương Bột ở kia, gần sát nhà ta mà cứ đi tìm quẩn !
Tôi mừng như vớ được vàng, bồn chồn suốt đêm, chờ sáng, cùng chú chạy sang. Tòa đền uy nghi rợp bóng cổ thụ – theo lời kể của chú Hoàng, người đã thành thổ dân ở đây – nằm trong một khuôn viên ngót một hécta, giờ chỉ còn lại cái nền đất, trên đó tọa lạc một cơ quan mới: Xí nghiệp vận tải biển Nghệ Tĩnh!
Thương hải biến vi tang điền, chỉ còn lại cái móng cũ toà đền, cổng tam quan, vài con kỳ lân đá chỏng chơ trước sân chầu, phía sau thấp thoáng núp trong lau lách là một trụ biểu đá hình vuông to đủ hơn vòng tay người ôm, ghi lạc khoản. Nhìn từ phía hậu đền là cả một vùng hoang liêu (6). Phải chăng đây là nơi yên nghỉ cuối cùng, di chỉ còn sót lại, chứng tích nơi khói hương nghi ngút ngàn năm qua thờ cúng một thiên tài !
Năm 1958, khi xây trường cấp hai, thiếu vật liệu xây cất, chính quyền địa phương đã “mượn” tạm ngôi đền hạ. Thật đau lòng là một trong những người phải thừa hành lệnh trên điều khiển học trò cấp hai phá đền lại chính là ông chú dạy văn nổi tiếng vùng này của tôi !
- Ngài linh lắm – chú Hoàng nói – Ngài xả một đống rui mè suýt nữa thì đè nát cả đám học trò.
Hơn 30 năm sau chú Hoàng tự thú “tội” trên với tôi bằng cái giọng thất kinh, hối tiếc và một dáng dấp buồn còn vương trong cặp mắt mờ đục của chú.
Tiếp đến, cuối tháng 12-1972, bom đạn B52 của Mỹ đã xoá sạch đền, đồ thừa tự ra tro, tượng Vương Bột, Vương Phúc Cơ điêu linh. May thay, người dân Nghi Lộc đã cứu được hai pho tương.
Tôi ngậm ngùi trở ra. Một đàn chim sếu giăng qua bầu trời. Lòng tôi rưng rưng.
Cửu nguyệt, cửu nhật vọng hương đài
Tha tịch tha hương tống khách bôi
Nhân tình dĩ yếm Nam Trung khổ
Hồng nhạn na tòng bắc địa lai.
(Mồng chín tháng chín Vọng hương đài
Cất chén quê người tiễn bước ai,
Nỗi khổ Nam Trung lòng đã chán,
Nhạn hồng đất bắc xuống chi đây ?)
KHƯƠNG HỮU DỤNG dịch
Tiếng thơ nức nở của Vương Bột hồi đi đày đất Thục cứ ngân nga giữa hồn tôi. Cảm thương người xưa, tôi đọc cho chú Hoàng cùng nghe. Chú bình:
- Cái mệnh yểu là nó xúi ngay trong văn chương…
Chúng tôi đi bộ qua xã Nghi Xuân (huyện Nghi Lộc), tìm đến nhà ông Nguyễn Hữu Uông – viên đại úy đã nghỉ hưu, có chân trong Mặt trận Tổ quốc huyện Nghi Lộc, thăm pho tượng Vương Phúc Cơ. Hỏi tượng mà ông Uông lại vui vẻ đem khoe với tôi và chú Hoàng – thầy giáo cũ của con ông – một thứ gia bảo khác : chiếc nắp liễn bằng sứ men xanh bóng làm từ đời Khang Hy, mặt trên nắp bé bằng bàn tay chép toàn bộ bàiXích Bích phú của Tô Đông Pha. Ông rất e dè khi đả động đến pho tượng. Pho tượng ông đặt ở gian ngoài, trong một chỗ kín. Tượng được tạc bằng gỗ quý, sơn son thếp vàng, cao lớn giống người thật, đội mũ (loại mũ như Đường Tăng) và vận trang phục huyện lệnh, sơn đang bong từng mảng trên khuôn mặt nghiêm nghị và phúc hậu. Ông Uông chỉ nói:
- Thấy pho tượng đẹp giầm mưa giãi nắng, phí quá, không đành, tôi đem về cất giữ thôi.
Trên đường đi, chú Hoàng nháy tôi:
- Ông ta nói thế chứ đêm đêm trong khuya vắng lại dậy lén thắp nhang !
Đến cửa biển sông Lam xã Nghi Hải, chúng tôi ghé vào nhà cụ Nguyễn Sung, 70 tuổi. Ông Sung làm nghề thợ mộc vắng nhà. Bà Sung nhìn tôi từ đầu đến chân, nghi ngại. Chú Hoàng phải phân bua mãi, rằng tôi không phải là cán bộ đi bài trừ mê tín đi đoan đâu, bà mới yên lòng tiếp chúng tôi:
- Một sáng, tôi ra sông lấy nước, có một pho tượng tấp vô dập dềnh trước bến nhà tôi, luôn hai ngày như thế không chịu đi. Tôi đồ là ngài uốn “ngự” lại đây nên lội xuống tắm rửa thánh thể sạch sẽ, sai con cháu hè nhau rước ngài lên lập bàn thờ cúng từ bấy đến nay.
Bà sai cậu con trai đốt một cây đèn cầy, dẫn chúng tôi vàogian cuối cùng. Buồng tối mờ mờ, thâm u vẻ thiền. Vén màn cầm nhang, bà khấn khứa như xin khất hành lễ. Tôi nom thấy tượng Vương Bột trong tư tế bán thân ngồi, trẻ trung, má phinh phính, tọa đường bệ trên bàn thờ sát nóc thượng lương. Tôi tranh thủ xin phép ghi hình.
Theo chỉ dẫn của “`thổ dân”, sáng hôm sau, chú hoàng lại dẫn tôi tìm đến nhà cụ Mai ở xã Nghi Xuân. Cụ Mai đã 75 tuổi, con trai còn lại của Cụ Tú Lê Kế Xuân – một nhà giáo yêu nước đã từng giảng dạy ở trường Đông Kinh Nghĩa Thục hồi đầu thế kỷ XX.
Cụ Mai rít hột hơi thuốc lào rõ kêu, phả khói mù mịt khoan khoái, vuốt chòm râu lưa thưa, chậm rãi:
Theo lời cha tôi kể thì Vương Bột nổi danh nhờ ngọn gió Trùng cửu này. Ngài là người con hiếu thảo, lại có tính ưa du sơn ngoạn thủy, thường sang thăm cha luôn. Lần cuối cùng, ngài cũng 7 gia nhân cưỡi thuyền mành, lợi dụng ngọn gió Trùng cửu vượt bể Đông thẳng tiến Hoan Châu. Gần đến bờ thì bão lớn nổi lên.
đùng đùng dìm thuyền chết sạch, xác thuyền xác người
tấp hết vô cửa Hội Thống (tên cũ của Cửu Hội). Riêng thi hài Vương Bột, nước thuỷ triều đầy ngược theo sông đến một cây rưỡi số rồi dạt vào bờ bắc sông Đồng Long (tên cũ của sông Lam), nay thuộc địa phận xã Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc. Quan huyện lệnh Vương Phúc Cơ tìm được xác con đau đớn kêu trời. Vì cảm cái ơn mưa móc nhân đức của quan Vương Phúc Cơ
và tiếc thương người tài Vương Bột mà công tích đã được chép rành rành trong bộĐường thư mệnh chung quá sớm, nhân dân Hoan Châu đã long trọng an táng nhà thơ ngay nơi ngài lâm nạn.
- Thế còn hồn ma Vương Bột hiện lên đọc thơ, chuyện ấy có không hở cụ ?
- Có thế đấy, cha tôi cũng có nói tương truyền đêm đêm trong thanh vắng, trên ngôi mả ven sông vẳng nghe tiếng than oán, u uất ngâm mãi hai câu thơ bất hủ của mình “Lạc hà…”. Dân quanh vùng rợn gáy sợ hãi, truyền lan lời đồn đại, bàn nhau góp công góp của dựng một ngôi miếu thờ phụng cho vong linh ngài chết oan đầu xanh tuổi trẻ tha hương được siêu thăng tịnh độ. Câu tục ngữ “Nước Cửa Trà, ma Cửa Hội” là có từ thuở ấy.
Sau này, chẳng bao lâu Vương Phúc Cơ cũng qua đời vì tổn thương quá lớn do cái chết của người con, người ta đưa ngài vào đền thờ, tạc hai pho tượng. Hai cha con ngài trở thành phúc thần của nước Việt từ đó.
- Thiêng vậy, có ai “yểm” không cụ ? – tôi gạn hỏi.
- Có Tà Ao (7) tiên sinh. Thật buồn cười cho người đời. Ông thầy địa lý tiếng tăm đó đã từng đi chu du khắp nước lo việc cải mả đem lại phúc lộc dồi dào cho không biết bao kẻ, thế mà khi nằm xuống lại không tìm được cho mình một doi đất phát.
Một đêm trăng thanh gió mát, tiên sinh cưỡi thuyền thúng băng qua sông. Đến trước mả Vương Bột, lên tiếng quát “Vương Bột, ngài chớ hợm mình, ngạo đời, tài cán gì ở ngài, làm có hai câu thơ mọn cũng không xong. Ngài muốn khoe tài thì về bên Tàu mà khoe, chứ ở đất này ngài còn dốt lắm !”. Gió rít lên, vẳng nghe như oan hồn Vương Bột dật dờ đâu đây cãi lại bằng cách ngâm hai câu thơ để trêu người thầy địa lý. Tả Ao tiên sinh mới đưa tay xá theo một nắm hương to : “Này ngài Tử An, hà tất “dữ” hà tất “cộng” nhị tự. Đã “tề phi” (cùng bay) thì cần chi phải “dữ” (với), đã “nhất sắc” (một màu) thì cần chi phải “cộng” (cùng). Hay thì có hay thật những gieo 14 chữ mà thừa những hai chữ thì tài giỏi chỗ mô ?”. Lạ thay, dân vùng ấy kể lại từ đó oan hồn của họ Vương tiệt không dám hiện ngâm nga nữa.
Cụ Mai ngưng kể, xoi lại ống điếu. Ngoài xa, sóng biển vỗ rì rầm, buồn bã. Chú Hoàng góp thêm:
- Tuy thế, ngài vẫn hiển linh lắm. Có ba người đụng đến ngài thì cả ba đều đắc tội. Tôi đơn cử vậy thôi thì chuyện này thì nhiều lắm. Đó là một võ quan Nhật năm 1945 ngang ngược nhảy lên cưỡi con ngựa của ngài, bị sưng húp cả bìu dái hệt như dái ngựa. Nhờ dân mách bảo phải sắm lễ đến tạ ngài mới thôi hành. Tiếp đến là một thằng nhỏ vô phép leo lên bệ thờ, giẫm chân vào vai ngài để bắt chim sẻ trên mái ngói bị ngài quở ốm lên chết xuống. Người thứ ba là kẻ hò hét phá đền năm 1958, mãi đến năm 1969, bị bom ở Hà nội banh xác không nhặt được mảnh nào…
Tôi nghe chuyện, rùng mình, cứ y như là chủ nghĩa hiện thực huyền ảo trong văn học châu Mỹ La tinh. Chao ôi ! Đời thật là có quả báo. Tôi hỏi như chất vấn cụ Mai:
- Thế, Vương Bột là phúc thần hay hung thần ?
- Gieo nhân nào thì gặt quả ấy, ác giả thì ác bá. Phật khi cần cũng phải cầm gươm nữa là thần thánh. Các ông coi, chứ tượng ngài bên nhà ông Sung dân vẫn bí mật thờ. Ngài vẫn phù hộ độ trì cho bà con ngư dân chúng tôi ra khơi vào lộng thuận buồm xuôi gió, ăn nên làm ra. Trước sau, ngài vẫn là phúc thần.
Cụ Mai quả quyết kết thúc như một triết gia.
Câu chuyện trên đây bẵng đi thế là đã 5 năm. Trở về Sài Gòn, tôi bận bịu với công việc làm sách nên quên mất. Hôm nay, nhân Việt Nam và Trung Quốc rục rịch nối lại bang giao, tôi giở lại những trang tư lệu ghi chép cũ trong sổ tay, bất giác sững sờ, lòng đầy những rung cảm, tôi ngồi vào bàn viết lại thành văn.
Tôi viết bài bút ký điền dã này với hai mục đích:
1-. Khi biết rõ sự thực về nơi tử nạn của Vương Bột, thì vừa lúc Nhà xuất bản Thuận Hóa ở Huế cho sắp chữ quyển Chuyện hay nhớ mãi của tôi. Tôi chỉ kịp nhắn đến ban biên tập vớt vát được một dòng ở phần chú thích trang 180: “Sự thực thì Vương Bột vào đất Hoan Châu bị bão đắm thuyền ở cửa Hội Thống”…Bạn đọc của cuốn sách đó xin cảm phiền xem đây là đính chính cần thiết.
2- Tôi muốn bài ký khảo cứu khoa học nhỏ này khi đến tai Bộ Văn hóa Thông tin – Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Nghệ Tĩnh, Chính quyền huyện Nghi Lộc mong sẽ được các vị có thẩm quyền xem như một gợi ý: nên xét kỹ đến việc xếp hạng di tích văn hóa quốc gia và cho xây lại ngôi đền Vương Bột ở xã Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc, bởi lẽ trong thời Đường thuộc đen tối, nhân dân Hoan Châu vẫn sáng suốt nhận ra chánh tà, phải trái. Vương Phúc Cơ có thể là một huyện lệnh tốt, biết cách trị dân bằng nhân chính để lại nhiều ân nghĩa với dân. Việc nhân dân Hoan Châu suốt 1.300 năm không bao giờ sao nhãng hương khói thờ phụng một nhà thơ lớn, nhà tư tưởng của Trung Quốc như một vị thần của Việt Nam là biểu hiện của một dân tộc văn hiến, là biểu tượng vĩ đại của tình hữu hảo Việt – Trung.
Thời gian thiên tai, bão lụt, binh lửa chiến tranh liên miên đã bao phen hủy diệt ngôi đền Vương Bột. Hỏng thì xây lại ! Bà con Nghệ Tĩnh đã kiên trì bảo tồn ngôi đền Vương Bột như một tín nghĩa thiêng liêng trong suốt trường kỳ lịch sử (8). Lẽ nào con cháu bây giờ lại thua kém cha ông ? Hơn thế nữa, phải chuộc lại lỗi lầm khi những bàn tay vô thức đã tiếp sức cùng bom đạn giặc tàn phá hàng trăm đình chùa, miếu mạo, trong đó có di chỉ văn hóa cổ nhất – ngôi đền Vương Bột.
Tôi cầu mong sao cho pho tượng danh nhân văn hóa Vương Bột sớm rời chỗ sơ tán trở về vị trí cũ. Mong sao cho tòa đền lại mọc lên như một huyền thoại trên nền đất cũ oai nghiêm, cổ kính soi bóng xuống dòng Lam xanh êm đềm, trở thành điểm du lịch văn hóa lý tưởng thú vị không riêng của Nghệ Tĩnh mà là chung của cả nước.
Nghi Lộc, 30-7-1986
Thành phố Hồ chí Minh 5-6-1991
Bài đã đăng:
- BáoVăn Nghệ Hội Nhà văn Việt Nam số 1991
- Tạp chí Liêu Vọng – những vấn đề văn hóa đối ngoại của Trung Quốc, số ra 11-6-1992.
- Kỷ yếu về Thần thi Vương Bột – Hội LHVHNT Nghệ Tĩnh xuất bản 1992.
- Theo Biên tập viên báo Văn Nghệ thuật lại thì Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội được tin này sớm nhất đã phóng xe tới Viện Quan hệ Quốc tế bộ Ngoại giao, bộ Văn hóa, báo Văn Nghệ hỏi thực hư, xong fax bài báo về Bắc Kinh. Nhân dân Trung Quốc đã “sửng sốt” (9) trước sự kiện trọng đại này.
- Tiếp đến học giả Giáo sư Lâm Trọng Hàm và nữ thạc sĩ Nghê Hà Vận – hai nhà Việt Nam học sang tiền trạm, làm công việc thị sát.
- Giới trí thức và bô lão địa phương thì tận tình giúp đỡ khoa Sử trường Đại học Tổng hợp về khảo sát, xác minh.
- Nền thơ Đường rực rỡ với 2.300 thi sĩ và 5 vạn bài thơ cho đến nay vẫn là đỉnh cao của văn hóa nhân loại, không nước trên thế giới vượt qua nổi mà Vương Bột là kiện tướng đi tiên phong khai sơn phá thạch. Ngài tử nạn trên xứ mình, bí mật trùm màn đen suốt hơn 13 thế kỷ. Chúng ta đã phát hiện cho Trung Quốc một ngôi mộ tổ vào thời điểm chính rị nhạy cảm nối lại bang giao sau cả chục năm tuyệt giao hảo. Người Tàu là họ rất quý trọng mồ mả tiền nhân. Chúng ta đã “điểm đúng huyệt của thời đại” (chữ dùng của Giáo sư Nguyễn Trung Hiếu)
- Sự kiện này rúng động cả thế giới, đặc biệt gây sốc cho con cháu dòng Vương Bột ở Nhật Bản, Đài Loan. Cô xướng ngôn viên của đài phát thanh truyền hình Đài Bắc Thiên Kim đã sang tận Sài Gòn tìm tôi xin tài liệu về Vương Bột để phát sóng trong chuyên đề Vương Bột tử nạn nơi nào ?
(Còn tiếp kỳ sau : “Đền Phúc Vị – huyền thoại và sự thật”)
________
(1) Ba vị kia là: Lạc Tân Vương, Dương Quýnh và Lư Chiếu Lân
(2) Vương Thông dưới tên chữ là Văn Trung Tử – nhà triết học thời Tùy.
(3) Gác trở thành nổi tiếng hơn 13 thế kỷ nay của Trung Quốc. Đến đời Mimh đổ nát được trùng tu lại lấy tên là Tây Giang đệ nhất lâu. Đến đời Thanh lại lấy tên cũ. Bị phá tan tành sau 9 giờ huyết chiến giữa quân đội Trùng Khánh và quân đội Nhật trong cuộc chiến tranh Trung – Nhật, 1939.
(4) Có sách chép là Dữ, có sách lại chép là Phù.
(5) Cuốn thứ nhất trong bộ Chân dung các nhà văn qua giai thoại (6 tập)
(6) Lần tôi trở về mới nhất là tháng 8-2009 thì thấy hiện trên nền đất cũ là một nhà gửi trẻ. Vùng đất này hiện trở thành đất vàng nhưng nhưng đất của thần thánh không ai dám mua.
(7) Tả Ao tên thật là Nguyễn Đức Huyền (sách Tang thương ngẫu lục), vì là người làng Tả Ao, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh nên gọi là thầy địa lý Tả Ao. Tả Ao sống vào thế kỷ XVIII.
(8) Lần cuối cùng đền Vương Bột được dựng lại sau chiến tranh là dưới thời nhà Nguyễn năm 1854 (theo trụ biểu đá còn lại sau đền Vương Bột)
(9) Chữ dùng của tạp chí Liêu Vọng.
(10) Một sai lầm nghiêm trọng của Kỷ yếu Thần thi Vương Bột, ảnh tượng của Vương Bột là tượng giả làm bằng thạch cao.